
Phú Quốc được thiên nhiên ưu ái một điều kiện tự nhiên thuận lợi, với hệ sinh thái trù phú. Nơi đây được coi là hòn đảo thiên đường, “đảo Ngọc”. Khu bảo tồn biển Phú Quốc nằm trong vùng biển thuộc huyện đảo Phú Quốc, là một trong 11 Khu bảo tồn biển tại Việt Nam. Đây là tầm nhìn lâu dài nhằm kết hợp hài hoà giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch.
Sự ra đời của Khu bảo tồn biển Phú Quốc
Phú Quốc được quy hoạch trở thành khu bảo tồn thiên nhiên theo Quyết định số 194/CT, ngày 9/8/1986, với diện tích đề nghị là 5.000 ha. Năm 1994, WWF Đông Dương và Viện Hải dương học đã phối hợp nghiên cứu đa dạng sinh học biển tại một nhiều đảo nhỏ thuộc cảng An Thới (nam Phú Quốc). Từ kết quả nghiên cứu, hai cơ quan đã thống nhất đề nghị thành lập khu bảo tồn biển An Thới. Năm 1998, Bộ KHCNMT đề xuất thành lập khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Đến năm 1999, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đề xuất sát nhập Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phú Quốc và khu bảo tồn biển An Thới thành khu bảo tồn biển Phú Quốc – An Thới. Với diện tích 33.657 ha, bao gồm hai hợp phần là hợp phần đất liền 14.957 ha và hợp phần biển là 18.700 ha. Ngày 08/06/2001, khu khu bảo tồn thiên nhiên Phú Quốc được chuyển hạng thành Vườn quốc gia theo Quyết định số 91/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với diện tích là 31.422 ha (không bao gồm diện tích vùng biển).
Ngày 03/01/2007 UBND tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định số 19/QĐ UBND thành lập Khu bảo tồn biển Phú Quốc nhằm mục đích bảo vệ đa dạng sinh học ở vùng biển này. Khu bảo tồn gồm có hai khu: Khu bảo tồn cỏ biển rộng 6.825ha trải rộng từ xã Bãi Thơm đến xã Hàm Ninh, rộng 3km tính từ ven biển trở ra; khu bảo tồn rạn san hô rộng 9.720 ha nằm trọn vẹn ở cụm đảo xã Hòn Thơm, huyện Phú Quốc. Bên cạnh việc bảo tồn loài, sinh cảnh rạn san hô, thảm cỏ biển, Khu bảo tồn biển Phú Quốc còn bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn và rất nhiều loài động thực vật biển quí hiếm nơi đây.

Khu bảo tồn biển Phú Quốc – Những điểm nổi bật về vị trí, diện tích
UBND tỉnh Kiên Giang xếp hạng di tích danh thắng đối với Khu Bảo tồn biển Phú Quốc ngày 4/12/2009. Khu bảo tồn gồm khu phía đông bắc, đông nam đảo Phú Quốc và khu phía nam quần đảo An Thới, có diện tích rạng san hô với 9.720ha và thảm cỏ biển rộng 6.825ha, thuộc ba xã Hàm Ninh, Bãi Thơm và Hòn Thơm. Tổng diện tích mặt nước của khu bảo tồn biển là 26.863,17 ha.
Trong đó, diện tích bảo tồn rạn san hô 9.720ha thuộc cụm đảo Hòn Thơm; diện tích bảo tồn cỏ biển 6.825ha thuộc địa bàn từ xã Bãi Thơm đến xã Hàm Ninh; vùng phát triển trên 10.000ha. Khu bảo tồn biển Phú Quốc có vai trò rất lớn trong việc phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế biển, góp phần cải thiện sinh kế của người dân ven biển và hải đảo; nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí, du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường.
Tài nguyên biển phong phú của Khu bảo tồn biển Phú Quốc
Vùng biển Phú Quốc có tài nguyên biển độc đáo, phong phú, với 206 loài san hô, 3 loài cá di cư, 135 loài cá san hô, 9 loài giáp sát, 132 loài thân mềm lớn, 32 loài da gai và 6 loài thú biển. Đặc biệt, Phú Quốc là một trong hai vùng biển duy nhất của Việt Nam còn tồn tại loài bò biển (dugong), với số lượng ước tính trên 100 con. Loài bò biển đang nằm trong danh mục bị đe dọa tuyệt chủng ở vùng biển này.
Bên cạnh đó, Phú Quốc còn được coi là một ngư trường lớn về khai thác thủy sản, với trữ lượng ước tính gần 0,5 triệu tấn. Tổng lượng khai thác thủy sản tăng liên tục từ 59.000 tấn năm 2005 lên gần 125.000 tấn năm 2011. Biển Phú Quốc có nhiều hải sản có giá trị cao như tôm, mực, ghẹ, ốc nhảy, trai ngọc, sò huyết, sò lông, nghêu lụa, bạch tuộc, hải sâm, cá ngựa…
Hai xã Hàm Ninh và Bãi Thơm ở Bắc đảo là vùng thảm cỏ biển rộng lớn, phong phú. Nam đảo là quần đảo An Thới là khu vực có những rạn san hô lớn sinh sống. Nơi đây có tảo biển với 98 loài thuộc 51 giống, trong đó có 31 loài tảo đỏ, tảo lục và tảo nâu. Động vật thân mềm có 132 loài thuộc ba giống của 35 họ thân mềm sinh sống trong rạn san hô, phổ biến nhất là ốc đụn, ngọc trai, trai tai tượng vảy. Da gai có 32 loài thuộc 23 giống của 15 họ da gai. Hải sâm là loài da gai phong phú nhất. Phú Quốc có chín loài cỏ biển sinh sống, phân bố ở phía đông đảo và một ít ở bắc và nam đảo với tổng diện tích 10.600 ha. Ngoài ra ở Phú Quốc có 21 điểm có san hô. Với hệ sinh thái biển đa dạng, nguồn tài nguyên phong phú, Phú Quốc đang trên đà phát triển thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái quan trọng của Việt Nam.

Tiềm năng phát triển du lịch của đảo ngọc Phú Quốc
Phú Quốc được đầu tư xây dựng trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp của quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Du lịch được xem là định hướng phát triển chính của đảo Phú Quốc. Phú Quốc có 15 khu du lịch sinh thái (ví dụ như: Bãi Thơm, Gành Dầu, Rạch Tràm, Rạch Vẹm, Bài Dài, Vũng Bầu, Cửa Cạn, Bãi Ông Lang…); 2 khu du lịch hỗn hợp (Bãi Vòng, Vịnh Đầm); khu phức hợp (Bãi Trường) và rất nhiều điểm du lịch đặc trưng khác. Có rất nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn du khách như: Lướt sóng, lặn ngắm san hô biển, tắm suối..
Do được tự nhiên ưu đãi về khí hậu, các hoạt động du lịch tại Phú Quốc được tổ chức quanh năm, thu hút một lượng lớn khách trong nước và quốc tế. Phú Quốc dần trở thành trung tâm giao thương quốc tế trong vùng vịnh Thái Lan.

Phát triển du lịch hướng tới phát triển bền vững
Thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” đòi hỏi công tác quy hoạch phải điều tra, khảo sát hiện trạng đa dạng sinh học, điều chỉnh phạm vi diện tích các phân khu trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc, nhằm đảm bảo duy trì các quá trình sinh lý và sinh thái của các hệ sinh thái, bảo tồn các quần xã sinh vật đặc trưng liên quan đến các hệ sinh thái đặc thù cũng như các khía cạnh về sinh học, sinh thái và kinh tế-xã hội.
Việc phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, nuôi trồng hải sản, hình thành các vùng có khả năng tái tạo phục hồi sinh thái; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia bảo tồn, phục hồi và sử dụng hợp lý tài nguyên để phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học.
